Từ vụ việc của Công ty Crystal Bay, chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp quản lý hiệu quả hơn đối với lĩnh vực kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch ở Việt Nam.
Cần ghi âm quá trình tư vấn
Báo Lao Động vừa có bài: Crystal Bay hoàn tiền thẻ du lịch khi khách hàng tố cáo, phản ánh việc, Công ty Cổ phần Thẻ du lịch Crystal Bay (sau đây viết tắt là Công ty Crystal Bay) bị khách hàng tố cáo “giăng bẫy, lừa mua thẻ du lịch”, đồng thời đề nghị công ty hủy hợp đồng và hoàn lại số tiền 231 triệu đồng.
Đơn tố cáo được gửi đến Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội, sau đó được chuyển đến Công an TP Hà Nội.
Sau khi có đơn tố cáo, Công ty Crystal Bay đã hủy hợp đồng và hoàn trả lại số tiền cho khách hàng có đơn tố cáo.
Một trường hợp khác là bà L.T.V.A (Hà Nội), có đơn phản ánh đến Báo Lao Động bị nhân viên Công ty Crystal Bay tư vấn không đúng sự thật.
Sau khi Báo Lao Động vào cuộc, công ty này đồng ý thanh lý hợp đồng, hoàn trả 50% số tiền khách hàng đã đóng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, hàng ngày, người dân vẫn thường xuyên nhận được cuộc gọi mời dự hội thảo để nhận voucher nghỉ dưỡng miễn phí nhưng thực chất khi đến thì bị dụ đầu tư sở hữu kỳ nghỉ du lịch với các kịch bản đã được lên sẵn.
Các doanh nghiệp, tư vấn viên làm mọi cách để bán được các kỳ nghỉ dưỡng hoặc các căn hộ nghỉ dưỡng, thậm chí đưa ra các tư vấn, quảng cáo thái quá.
“Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với các tư vấn viên trong lĩnh vực đầu tư, tài chính thì phải được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Đồng thời, các nội dung tư vấn đó phải được ghi lại bằng cả âm thanh, hình ảnh để làm căn cứ. Nhưng việc này đã không được thực hiện”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Chuyên gia cũng cho rằng, giống như quy định đối với tư vấn Bảo hiểm, các doanh nghiệp và người dân khi thực hiện ký kết hợp đồng trong lĩnh vực sở hữu kỳ nghỉ cần thực hiện ghi âm nội dung tư vấn để làm căn cứ nếu xảy ra các tranh chấp sau này.
Bởi, thực tế hiện nay, các cơ quan chức năng nhận được nhiều đơn, thư phản ánh liên quan việc nhân viên tư vấn lĩnh vực kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ không thực hiện đúng các nội dung đã tư vấn.
Vá lỗ hổng pháp lý
Trao đổi với Lao Động, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch còn tương đối mới mẻ đối với Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội cho biết, “bán, kinh doanh sản phẩm kỳ nghỉ/thẻ du lịch” hiện chưa được quy định cụ thể, chi tiết tại Luật Du lịch năm 2017. Do đó, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội chưa có hoạt động thanh tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, về lâu dài, cần phải tính toán, sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch, vì hiện nay trong Luật mới chỉ quy định các nội dung về dịch vụ lưu trú, chưa có nội dung quy định liên quan đến giao dịch sở hữu kỳ nghỉ du lịch.
“Việc bổ sung nội dung quy định giao dịch sở hữu kỳ nghỉ du lịch trong Luật sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả hơn đối với loại hình kinh doanh này”, luật sư Quách Thành Lực nói.
Luật sư Lực cũng cho rằng, hiện nay, hợp đồng của một số công ty sở hữu kỳ nghỉ quá dài, thông tin trong hợp đồng như “ma trận”, câu từ không rõ ràng, có thể hiểu nhiều nghĩa, những nội dung quan trọng rơi hết vào phần phụ lục, các điều khoản hợp đồng bất lợi cho khách hàng.
Vì vậy, Luật sư kiến nghị, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cần tham mưu, đề xuất đưa hợp đồng liên quan đến sở hữu kỳ nghỉ vào danh sách các loại hợp đồng bắt buộc theo mẫu, hợp đồng phải kiểm tra trước (danh sách hợp đồng này do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, kiểm tra
Trao đổi với phóng viên Lao Động, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tiếp tục thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với Công ty Crystal Bay và các công ty khác để xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng nhận được một số đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến loại hình kinh doanh “kỳ nghỉ du lịch”, “sở hữu kỳ nghỉ” nói chung. Bao gồm các vấn đề về hình sự, dân sự, du lịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cạnh tranh…
Về bản chất, loại hình kinh doanh “kỳ nghỉ du lịch” hay “sở hữu kỳ nghỉ” là giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã cung cấp thông tin rộng rãi để người dân nắm được bản chất của loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ cũng như những điều cần lưu ý khi giao kết loại hình hợp đồng này.
Đồng thời, liên tục thực hiện đăng tải các tin bài khuyến cáo trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các phương tiện thông tin truyền thông.
Tháng 7.2023, Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ.
Người dân cần nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.
Nguồn: Laodong.vn