Đề xuất thêm trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước

Cần cho phép được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước khi doanh nghiệp liên tục chậm nộp, nợ đọng, thậm chí là trốn đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội của người lao động.

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1, Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, hiện nay, luật lao động cũng cho phép người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.

Theo đó, Khoản 2, Điều 35, Bộ luật Lao động quy định trong trường hợp sau: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 bộ luật này; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 điều 97 bộ luật này; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 bộ luật này; đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Thực tế hiện nay, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, có rất nhiều trường hợp mà người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp liên tục vi phạm các quy định của luật lao động, luật bảo hiểm xã hội cũng như vi phạm các thỏa thuận khác như hành vi chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, thậm chí đó là các hành vi cố tình chậm đóng, nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội kéo dài khiến người lao động hết sức bức xúc.

Việc chậm đóng, trốn đóng, đóng bảo hiểm xã hội không đầy đủ, kịp thời, điều đó đã vô hình trung vi phạm nghiêm trọng các cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng lao động, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm các thủ tục, giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động trong doanh nghiệp.

Chẳng hạn như người lao động không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản một cách kịp thời, người lao động không thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để đi khám chữa bệnh khi có bệnh tật do thẻ bảo hiểm xã hội bị khóa vì doanh nghiệp nợ tiền, chậm đóng bảo hiểm xã hội…

Do đó, đề xuất nghiên cứu, xem xét, tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể là bổ sung tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động theo hướng người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước đối với người sử dụng lao động, đối với chủ doanh nghiệp nếu người sử dụng lao động liên tục chậm nộp, nợ đọng, thậm chí là trốn đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội của người lao động.

Thiết nghĩ, đây cũng là biện pháp nhằm để bảo vệ, đảm bảo cũng như thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động mà không cần báo trước khi doanh nghiệp liên tục có những vi phạm về nghĩa vụ thực hiện đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay cũng như liên tục vi phạm việc thực hiện hợp đồng lao động, trong đó có nghĩa vụ cam kết, thực hiện phải đóng đầy đủ các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.

Nguồn: Laodong.vn