Với mức lương hưu lúc mới nghỉ hưu là gần 3 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên mức 3,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống của ông Ngô Khắc Lợi (Thành phố Hồ Chí Minh) gặp rất nhiều khó khăn. Ông mong muốn có đột phá trong cải cách chế độ tiền lương cũng như điều chỉnh lương hưu để những người như ông có thể yên tâm sinh sống khi về già.
Ông Ngô Khắc Lợi sinh năm 1965, quê tỉnh Ninh Bình. Năm 2000, ông xin vào làm việc cho một xí nghiệp chuyên về thi công, xây dựng công trình về cầu cống, cầu đường bộ, cầu đường sắt trực thuộc một doanh nghiệp có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian đầu, ông làm công nhân thi công xây lắp sửa chữa cầu. Sau đó, ông được chuyển sang làm công nhân làm mới đường sắt.
Sau thời gian dài đi theo các công trình của xí nghiệp ở các địa phương cả nước, năm 2015, ông có ý định sẽ nghỉ việc, xin chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, rồi sau đó làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần để có vốn về quê sinh nhai. Lúc đó, ông Lợi đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội được hơn 15 năm và vừa trải qua ca phẫu thuật mổ tim nên sức khỏe suy yếu.
Khi trình bày nguyện vọng, ông được cán bộ phụ trách bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp tư vấn, khuyên nên cố gắng làm việc và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho đủ 20 năm bởi khi đó ông cũng đã đủ tuổi đời để có thể nghỉ hưởng chế độ hưu trí, có thu nhập hàng tháng, tốt hơn rất nhiều so với việc nhận bảo hiểm xã hội 1 lần.
Thấy lời tư vấn hợp lý, ông bỏ ý định nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, tiếp tục đi theo công trình để làm việc thêm mấy năm nữa, để sau này có lương hưu hàng tháng.
Tháng 8.2020, khi đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm, ông Lợi cũng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 (quy định tuổi nghỉ hưu của nam giới làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại thời điểm ông nghỉ hưu là 55 tuổi).
Thế nhưng điều làm ông hụt hẫng, chới với là mức lương hưu lúc đó của ông chỉ vỏn vẹn có 2.924.069 đồng (tỉ lệ hưởng lương hưu là 49%).
“Khi sắp nhận lương, tôi nghĩ, có lẽ tiền lương hưu cũng đủ chi tiêu, trang trải cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu; tôi sẽ không phải tiếp tục làm việc mà sẽ được nghỉ ngơi một cách đúng nghĩa. Thế nhưng tôi không ngờ tiền lương hưu lúc đó quá thấp trong khi tôi còn có các con phải học hành” – ông Lợi bày tỏ.
Qua các đợt điều chỉnh, hiện nay mức lương hưu của ông cũng đã tăng lên được hơn 3.500.000 đồng/tháng. Hiện nay ông Lợi ở quê, vẫn tiếp tục đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Ông Lợi mong muốn có chính sách đột phá nhiều hơn nữa trong việc cải cách chế độ tiền lương cũng như điều chỉnh lương hưu hàng năm như hiện nay. Cần đặc biệt quan tâm, xem xét điều chỉnh, tăng mứclương hưu cho những trường hợp người lao động có mức lương hưu thấp như ông lên một mức đáng kể hơn. Điều này nhằm giúp những người có mức thu nhập thấp từ lương hưu hàng tháng như ông đảm bảo ổn định cuộc sống nhiều hơn khi về già, khi đã nghỉ hưu…
Có thể nói, cải cách chế độ tiền lương, trong đó có chế độ, chính sách tiền lương hưu phải đảm bảo tính nhân văn, có tính khuyến khích người lao động thấy được những lợi ích từ chính sách tiền lương hưu; thu nhập hàng tháng từ lương hưu phải đảm bảo cuộc sống, đủ chi tiêu, trang trải cho cuộc sống những vấn đề cơ bản nhất. Từ đó, giữ chân người lao động trụ lại với hệ thống an sinh xã hội, không rút bảo hiểm xã hội 1 lần sau khi nghỉ việc.
Nguồn: Laodong.vn