Hiện nay có nhiều trường hợp người lao động đã về hưu, cao tuổi nhưng vẫn đi làm những công việc có tính chất thời vụ để kiếm thêm thu nhập vì lương hưu quá thấp, không đủ chi tiêu cho cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Sáo (sinh tháng 3.1959, thường trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là một trường hợp như vậy.
Ông Sáo kể, tháng 7.1978, ông xin vào làm việc cho một doanh nghiệp có trụ sở đóng tại Hà Nội làm công nhân sửa chữa đường sắt. Đây là công việc thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm (loại V) theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Sau gần 30 năm làm việc cho doanh nghiệp ở Hà Nội, tháng 6.2007, ông xin nghỉ việc rồi chuyển công tác vào TPHCM làm việc cho một doanh nghiệp cũng chuyên về thi công xây dựng công trình với chức danh là công nhân sửa chữa, làm mới đường sắt.
Đến tháng 4.2014, ông Sáo đã đủ điều kiện để nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo quy định. Tại thời điểm đó, Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam làm các công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm là 55 tuổi và thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam là 30 năm để hưởng mức lương hưu tối đa là 75%. Tổng thời gian ông tham gia đóng bảo hiểm xã hội của ông tại hai doanh nghiệp là gần 37 năm.
Ngày lên công ty cầm quyết định hưởng lương, ông Sáo hụt hẫng khi thấy mức lương hưu quá thấp, chỉ vỏn vẹn 3.241.885 đồng. Đối với thời gian đóng dư bảo hiểm xã hội, ông được trả lại tổng số tiền đóng thừa là 15.128.799 đồng.
Do lương hưu thấp, ông quyết định tiếp tục đi làm thời vụ tại các công trình xây dựng thêm một thời gian để kiếm thêm thu nhập. Mấy năm sau đó, vì sức khỏe không cho phép, ông trở về quê nhà ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và xin vào làm bảo vệ cho một doanh nghiệp. Như vậy, kể từ lúc về hưu ông buộc phải đi làm thêm kiếm sống cũng đã ngót nghét chục năm. Qua gần 10 năm điều chỉnh, tăng tiền lương hưu, tăng trợ cấp xã hội, hiện nay ông cho biết mức lương hưu của ông được gần 5.600.000 đồng.
Hiện tại, mặc dù đã 65 tuổi nhưng ông Sáo cho biết, nếu sức khỏe cho phép, ông vẫn tiếp tục đi làm công việc bảo vệ để kiếm thêm thu nhập. Bởi vì nếu nghỉ ở nhà thì với mức thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng ông không thể nào trang trải cho cuộc sống trong khi vợ ông không có lương hưu.
Ông mơ ước và mong muốn nếu mức tiền lương hưu được điều chỉnh, tăng cao hơn so với hiện nay để ông không phải tiếp tục đi làm thêm mà được thực sự an dưỡng tuổi già sau hàng chục năm làm những công việc nặng nhọc, độc hại và gần chục năm đi làm công việc bảo vệ.
Có thể thấy, mơ ước và mong muốn được tăng lương hưu lên một mức cao hơn đối với những người như ông Sáo là mong muốn thật sự chính đáng và cần được Chính phủ, Nhà nước quan tâm, lưu tâm một cách đúng mức.
Đây là việc làm nhân văn, phù hợp với nguyện vọng, mong ước của hàng triệu người người lao động, người già đã về hưu nhưng có mức lương hưu còn thấp, như trường hợp của ông Sáo.
Nguồn: Laodong.vn