Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng thành phố Vinh đến năm 2030 là đô thị biển văn minh, hiện đại.
Mục tiêu nói trên còn gây ra những băn khoăn, hoài nghi. Theo PGS.TS Bùi Thị Hoàng Lan – giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đến nay, khái niệm về đô thị biển chưa được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, từ góc độ chuyên môn, chuyên gia Bùi Thị Hoàng Lan đề xuất khái niệm: “Đô thị biển là đô thị có mối quan hệ tương tác hữu cơ với không gian biển, có nền kinh tế gắn với đại dương, có lối sống đô thị đặc trưng gắn với nước tạo lập không gian văn hoá biển; có môi trường biển tác động trực tiếp đến vận hành của đô thị”.
GS.TS. KTS. Nguyễn Việt Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc – Bộ Xây dựng, nêu quan điểm: “Đối với đô thị biển thì nơi tập trung nhiều người nhất, dễ lưu lại bóng hình của mình nhất, phát triển nhanh chóng và sôi động nhất, nhưng cũng xâm chiếm thiên nhiên nhiều nhất chính là tuyến không gian ven biển – trục trung tâm của đô thị biển”.
Căn cứ các tiêu chí nêu trên, thành phố Vinh rất khó trở thành một đô thị biển. Từ khi thành lập đến nay, thành phố Vinh không giáp biển. Trong thời gian tới, thị xã Cửa Lò (là đô thị biển) sẽ sáp nhập vào Vinh, lúc này Vinh mới trở thành thành phố có biển.
Tuy nhiên, trong trường hợp khi đã sáp nhập Cửa Lò vào Vinh, thì Cửa Lò cũng chỉ là 1 phần nhỏ của Vinh, chứ không phải là đại diện và thay thế toàn bộ Vinh.
Cụ thể, Thị xã Cửa Lò diện tích tự nhiên 29,12 km2, dân số 62.961 người, trong khi Vinh hiện nay rộng 105 km², dân số 500 nghìn người.
Về quy mô, hiệu quả kinh tế, tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã Cửa Lò năm 2023 đạt 403,9 tỉ đồng; trong khi đó năm 2023, TP Vinh thu ngân sách đạt gần 4.000 tỉ đồng, gấp khoảng 10 lần thu ngân sách thị xã Cửa Lò.
Bờ biển Cửa Lò chỉ có 12km, chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ so với toàn bộ chu vi TP Vinh sau sáp nhập và rất khó để thực hiện tiêu xây dựng Vinh thành đô thị biển. Cửa Lò có cảng nước sâu, nhưng độ sâu không đủ để những tàu trọng tải lớn ra vào.
Các công trình, cơ quan trọng điểm của TP Vinh cũng không giáp biển, mà cách biển khoảng 15km.
Cho nên, cho dù đã điều chỉnh thị xã Cửa Lò vào TP Vinh, đô thị biển không phải là đặc trưng và thế mạnh của TP Vinh so với các đô thị biển khác trong cả nước.
Do đó, cần xem xét lại tầm nhìn Vinh là thành phố biển. Nên xây dựng TP Vinh có khát vọng hướng về phía biển nhưng nên phát triển theo hướng kinh tế biển hơn là trở thành đô thị biển. Trong phát triển kinh tế biển, TP Vinh nên phát triển theo hướng mở, quan tâm quy hoạch vùng kinh tế biển.
Đồng thời, TP Vinh là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại – dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của của Nghệ An và khu vực.
Trong lộ trình đó, phấn đấu xây dựng Vinh trở thành thành phố có chất lượng sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn: Laodong.vn