Khách hàng của Crystal Bay phản ánh những bất thường trong việc ký kết hợp đồng thẻ du lịch với công ty này.
Sau khi đăng bài viết: “Khách tố cáo bị giăng bẫy, Crystal Bay hoàn tiền thẻ du lịch“, Báo Lao Động tiếp tục nhận thêm đơn phản ánh, tố cáo của người dân về hoạt động bán thẻ du lịch của Công ty Cổ phần Thẻ du lịch Crystal Bay.
Người dân cho rằng bị áp đặt mua thẻ du lịch
Trong các trường hợp gửi đơn đến Báo có bà Đ.T.K.D (65 tuổi, Hà Nội). Bà Đ.T.K.D cho biết, ngày 3.1.2022, bà ký hợp đồng mua bán thẻ du lịch với Công ty Cổ phần Thẻ du lịch Crystal Bay (viết tắt là Công ty Crystal Bay), trụ sở tại tầng 12, tòa nhà Capital Place, 29 Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội).
Hợp đồng có giá trị 231 triệu đồng, quyền lợi là mỗi năm được nghỉ dưỡng 7 đêm tại một trong các resort của công ty hoặc thuộc hệ thống liên kết. Thời gian sở hữu thẻ là 20 năm.
Trong năm 2022 và 2023, bà D sử dụng quyền lợi thẻ bình thường.
Đến ngày 12.1.2024, bà D được một nhân viên của Crystal Bay liên hệ qua điện thoại mời đến văn phòng công ty để làm thủ tục “chuyển đổi số hợp đồng, do giá trị hợp đồng đã tăng so với thị trường”.
Ngày 14.1.2024, bà D đến văn phòng công ty Crystal Bay thì được nhân viên tên Tuyển tư vấn hợp đồng của bà kí từ năm 2022 trị giá 231 triệu đồng, đến nay theo giá thị trường đã tăng lên 500 triệu đồng.
“Tôi được Tuyển đưa cho quyển hợp đồng mới nói là ký xác nhận chuyển đổi hợp đồng và được giải thích là quyền lợi như cũ. Nên tôi đã ký theo hướng dẫn mà không đọc kỹ các điều khoản.
Tuyển nói, Crystal Bay đang cần một số hợp đồng để bán nên mua lại hợp đồng của tôi với giá 500 triệu đồng. Như vậy, nếu tôi bán sẽ lãi 269 triệu đồng.
Tỷ lệ tiền lãi thì khách hàng được 70%, công ty 30% (là 80 triệu 700 nghìn đồng). Bên cạnh đó, khách hàng phải đóng thêm 15 triệu đồng cho công ty gọi là “phí ra thẻ mới”.
Tổng số tiền khách hàng phải đóng cho công ty là 95,7 triệu đồng, và phải đóng ngay buổi hôm đó.
Từ ngày 15.2 – 5.3.2024, khách hàng sẽ được công ty chuyển số tiền 500 triệu đồng vào tài khoản.
Tin lời Tuyển, tôi quẹt thẻ số tiền 95,7 triệu đồng ngay thời điểm đó”, bà D nói.
Bà D cho biết, sau đó không hề nhận được số tiền 500 triệu đồng như Tuyển nói.
Ngày 7.4, bà D gửi email đến Công ty Crystal Bay để làm rõ khoản tiền 95,7 triệu đồng đã đóng thì ngày 14.4, Công ty Crystal Bay gửi cho bà một quyển hợp đồng thẻ du lịch mới, kèm theo phụ lục, giá trị là 143.440.000 đồng.
“Tôi không hiểu vì sao Công ty Crystal Bay lại phát hành cho tôi hợp đồng này vì tôi đâu có mua hợp đồng này. Tôi đã nhiều lần yêu cầu Tuyển và Công ty Crystal Bay hủy hợp đồng này và hoàn trả tôi số tiền 95,7 triệu đồng nhưng đều không được giải quyết.
Trong khi đó, Tuyển thì nhắn cho tôi là hoàn thiện nốt số tiền hợp đồng mới sau khi trừ số tiền tôi đã đóng là 95,7 triệu thì phải đóng gần 50 triệu đồng nữa”, bà D cho biết.
Dấu hiệu bị nhầm lẫn hoặc bị lừa dối
Bà D cung cấp cho phóng viên Báo Lao Động hình ảnh một đơn thu hồi thẻ du lịch, giá bán 500 triệu đồng, cam kết thời gian hoàn trả tiền thanh lý hợp đồng từ 14.2 – 15.3.2024.
Đơn này có logo của Công ty Crystal Bay. Có chữ ký của bà D và một chữ ký nháy mà bà D cho là của Tuyển.
Lý do đơn này chưa có dấu đỏ của Công ty Crystal Bay, bà D giải thích, do ngày 14.1.2024 là chủ nhật nên Tuyển có hứa là thứ 2 sẽ gửi lại bà D các giấy tờ có dấu đỏ của Công ty Crystal Bay, nhưng sau đó bà đã không được nhận lại như lời hứa (theo phản ánh của một số người dân là khách hàng của Công ty Crystal Bay, công ty này vẫn mở cửa bình thường vào ngày Chủ nhật hàng tuần để đón khách tới tư vấn – PV).
Chưa nhận được đơn thu hồi thẻ du lịch có dấu đỏ của Crystal Bay nên hiện bà D vẫn đang giữ bản hợp đồng gốc ký năm 2022.
Bà D cũng cung cấp cho phóng viên Báo Lao Động quyển hợp đồng và phụ lục hợp đồng mới mà phía Crystal Bay gửi lại.
Trong đó quyển hợp đồng có 23 trang gồm nhiều điều khoản, giải thích các khái niệm, tách rời với bản phụ lục có 8 trang đều có chữ ký nháy của bà D.
Phần giá trị hợp đồng là 143.440.000 đồng được để ở trang 5 và trang 6 của phụ lục hợp đồng, được viết bằng bút bi.
“Lúc tôi ký nháy vào quyển hợp đồng và bản phụ lục đó là do Tuyển nói ký xác nhận chuyển đổi số hợp đồng cũ của tôi, quyền lợi sẽ không thay đổi, sau đó sẽ được chuyển nhượng lại giá 500 triệu đồng. Nên tôi mới ký theo hướng dẫn.
Tôi khẳng định thời điểm tôi ký nháy trong quyển hợp đồng và bản phụ lục không có số tiền 143.440.000 như Công ty Crystal Bay gửi lại cho tôi”, bà D nói.
Người cán bộ về hưu cũng cho rằng, bà vẫn đang sở hữu một hợp đồng thẻ du lịch của Crystal Bay thì không có lý do gì lại mua thêm một thẻ mới. Đồng thời cho rằng số tiền 95,7 triệu đồng mà bà thanh toán ngày 14.1 là cho hợp đồng thẻ du lịch mới thì cũng có mâu thuẫn. Bởi trong phần phụ lục hợp đồng mới chia làm 2 lần thanh toán, lần một hơn 40 triệu đồng và lần hai hơn 100 triệu đồng.
Nói về trường hợp của bà D, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc trên, theo mô tả thì khách hàng có dấu hiệu bị nhầm lẫn hoặc bị lừa dối khi ký kết hợp đồng.
Theo điều 126 và 127 của Bộ luật Dân sự 2015, quy định về việc giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn hoặc bị lừa dối.
Theo đó, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị nhầm lẫn, lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
“Khách hàng cần cung cấp bằng chứng về việc bị nhầm lẫn hoặc lừa dối. Nếu có nhiều trường hợp tương tự như trên diễn ra thì sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, thanh tra để xác định dấu hiệu sai phạm trong sự việc này”, Luật sư Quách Thành Lực nói.
Luật sư Vũ Thùy Trang (Phó giám đốc công ty Luật TNHH Youme, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) – nhận định, căn cứ các quy định của hợp đồng, bên mua là khách hàng có nhiều bất lợi và rủi ro liên quan đến việc sử dụng kỳ nghỉ dưỡng, có thể tranh chấp về vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả, gặp nhiều khó khăn trong trường hợp muốn chấm dứt hợp đồng.
Nguồn: Laodong.vn