Dựng hàng rào phòng vệ, ngăn thép giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam

Tình trạng thép cán nóng (HRC) Trung Quốc giá rẻ ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam làm dấy lên lo ngại hàng sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều tra chống phá giá với thép nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định số 1985 về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo quyết định này, trình tự và thủ tục điều tra thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày ký là 26.7.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, ngày 19.3.2024, cơ quan này nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu, cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm định và có các công văn yêu cầu bổ sung, làm rõ thông tin, nội dung về phạm vi sản phẩm, căn cứ xác định hành vi bán phá giá cũng như dấu hiệu gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Cơ quan điều tra xác định rằng bên yêu cầu biện pháp chống bán phá giá đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước và có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân gây thiệt hại đáng kể với ngành sản xuất trong nước.

Cuộn HRC đầu tiên được sản xuất tại Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất ngày 2.5.2020. Ảnh: Cường Ngô
Cuộn HRC đầu tiên được sản xuất tại Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất ngày 2.5.2020. Ảnh: Cường Ngô

Ở Thái Lan, Bộ Thương mại nước ngoài Thái Lan (DFT) cũng vừa công bố mức thuế chống bán phá giá 30,91% đối với thép cuộn cán nóng (HRC) có thêm hợp kim từ Trung Quốc. Đây là sự mở rộng các biện pháp chống bán phá giá (CBPG) mà chính phủ Thái Lan đang áp dụng đối với thép cuộn cán nóng của Trung Quốc.

DFT đã mở một cuộc điều tra chống lẩn tránh đối với thép cuộn cán nóng hợp kim từ 17 nhà sản xuất ở Trung Quốc từ ngày 16.9.2023. Bộ đang điều tra liệu các sản phẩm này có lẩn tránh các mức thuế chống bán phán giá hiện có bằng cách thêm hợp kim vào các sản phẩm thép cuộn cán nóng và nhập khẩu dưới các mã HS khác nhau hay không.

Ngày 1.8 vừa qua, Bộ Thương mại nước ngoài Thái Lan đã đưa ra kết luận xác định các biện pháp chống bán phá giá 30,91% cũng sẽ được áp dụng đối với thép cuộn cán nóng hợp kim từ Trung Quốc như một “biện pháp mở rộng”.

Các mức thuế chống bán phá giá sẽ được truy thu từ tháng 9 năm ngoái trở đi và sẽ được rà soát vào khoảng tháng 7.2028, theo quan chức của DFT.

Áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ

Tại Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nhu cầu thép cán nóng trong nước ước tính khoảng 12 – 13 triệu tấn mỗi năm. Đây là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Việt Nam có 2 doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa sản xuất thép HRC.

Tuy nhiên, sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 đã giảm 10% so với quý I/2024. Lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh (6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường) gây nên sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng của doanh nghiệp Việt tại thị trường nội địa.

Nêu quan điểm về việc việc thép HRC nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, bỏ xa lượng sản xuất trong nước, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) nhận định, đây là hiện tượng phi lý, không thể chấp nhận được. Do đó cần thiết phải được điều tra cụ thể và có giải pháp để chống gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.

PGS.TS Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần các quyết sách từ phía cơ quan quản lý Nhà nước nhanh hơn, phản ánh với biến động của thị trường nhanh nhất. Nếu càng kéo dài và không có giải pháp gì, hàng HRC nhập khẩu giá thấp tràn vào Việt Nam nhiều hơn.

Do đó, một cuộc điều tra chi tiết, rõ ràng là rất cần thiết để bảo vệ sản xuất thượng nguồn của ngành thép vốn là xương sống của một nền kinh tế.

Nguồn: Laodong.vn