Kết quả đo độ mặn ven dự án tuyến đường số 3 ở Thái Bình

Thái Bình – Cơ quan chức năng đã tiến hành thí nghiệm kiểm tra độ mặn của nước, cát ven công trình thi công tuyến đường số 3.

Kết quả đo độ mặn ven dự án tuyến đường số 3 ở Thái Bình
Nông dân thôn Tam Bảo (xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cấy lúa vụ mùa 2024 quanh công trường thi công tuyến đường số 3. Ảnh: Trung Du

Lấy mẫu nước, cát tại 8 điểm làm thí nghiệm kiểm tra độ mặn

Vừa qua, Báo Lao Động đã phản ánh sự việc nhiều diện tích lúa vụ xuân 2024 của nông dân xã Nam Hồng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bị ảnh hưởng năng suất, trong đó có nơi thiệt hại trên 70% năng suất.

Nguyên nhân sự việc được xác định bởi lúa của bà con bị nhiễm mặn do quá trình đơn vị thi công tiến hành bơm cát san lấp, đắp nền đường tuyến đường số 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình.

Ngày 8.7, đại diện liên danh nhà thầu thực hiện tuyến đường số 3 (chịu trách nhiệm thi công đoạn tuyến qua xã Nam Hồng) là Công ty Cổ phần Nhân Bình đã phối hợp cùng UBND xã tiến hành chi trả, bồi thường, hỗ trợ tổng số tiền hơn 193 triệu đồng cho nông dân các thôn Đông Biên Nam, Tam Bảo và Viên Ngoại có diện tích lúa bị ảnh hưởng, mất năng suất do nhiễm mặn.

Đến thời điểm hiện tại, kết quả thí nghiệm các mẫu nước, cát quanh công trình thi công tuyến đường số 3 qua xã Nam Hồng cơ bản đều nằm trong ngưỡng cho phép. Ảnh: Trung Du
Đến thời điểm hiện tại, kết quả thí nghiệm các mẫu nước, cát quanh công trình thi công tuyến đường số 3 qua xã Nam Hồng cơ bản đều nằm trong ngưỡng cho phép. Ảnh: Trung Du

Sau đó, trước quan ngại của người dân và chính quyền địa phương về việc đồng ruộng bị nhiễm mặn sẽ còn ảnh hưởng đến việc canh tác lúa vụ mùa 2024 và các vụ sản xuất tiếp theo, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo, phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, UBND xã Nam Hồng và Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải đã tổ chức thực hiện thí nghiệm hiện trường kiểm tra độ mặn của nước, cát đoạn tuyến từ Km3 + 025.68 đến Km4 + 900 thuộc phạm vi Công ty Cổ phần Nhân Bình thi công.

Các bên đã cùng nhau lấy 5 mẫu nước tại các mương dọc, mương ngang sát chân taluy tuyến tại các thôn Đông Biên Nam, Tam Bảo và Phú Lâm; lấy 3 mẫu cát nền đường (cát ngấm nước) dưới mái taluy phải tuyến và lòng đường tuyến chính.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, các mẫu nước tại các mương có độ mặn từ 0,3 ‰ – 1,7 ‰, các mẫu cát nền ngấm nước có độ mặn từ 0,5 ‰ – 1,1‰. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình, kết quả này thể hiện nguồn nước được làm thí nghiệm đều đạt yêu cầu nằm trong phạm vi cho phép, không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Bởi, theo quy định độ mặn của nước phục vụ sản xuất không vượt quá 2 ‰.

Sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá mức độ ảnh hưởng

Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình, việc thi công san lấp, tập kết cát trên công trường gây ảnh hưởng năng suất lúa vụ xuân 2024 cơ bản đã rõ, nhà thầu cũng đã tiến hành chi trả, bồi thường, hỗ trợ cho bà con.

Tuy nhiên, đơn vị yêu cầu nhà thầu thi công tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương theo dõi, đánh giá toàn diện, theo cả quá trình nhằm xem xét mức độ ảnh hưởng để có giải pháp giải quyết kịp thời.

“Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu phối hợp các cơ quan chuyên môn tiếp tục lấy mẫu thành nhiều lần, trong nhiều thời điểm khác nhau để kiểm tra, đánh giá cả quá trình xem mức độ ảnh hưởng còn tiếp diễn hay không để có giải pháp khắc phục, xử lý cho phù hợp”, vị lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình nói.

Được biết, sáng nay (15.7), đoàn liên ngành gồm đại diện Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã Nam Hồng và đại diện một số cơ sở thôn có dự án đi qua cũng đã tiến hành lấy mẫu thí nghiệm đối với nguồn nước nội đồng quanh dự án, kết quả đều nằm trong ngưỡng phạm vi cho phép phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Thời gian qua, nước tưới tiêu được thủy nông bơm vào để đổ ải, làm đồng, rồi sau đó tháo ra để bà con gieo cấy, cộng thêm gần đây có nhiều cơn mưa lớn trút xuống nên độ mặn của nước trên đồng ruộng, hệ thống mương nội đồng có thể vì vậy đã giảm xuống. Tuy nhiên, ảnh hưởng về lâu dài chắc chắn sẽ vẫn còn chứ chưa thể hết ngay được, do đó các bên vẫn cần phải tiếp tục theo dõi, đánh giá thêm”, đại diện lãnh đạo UBND xã Nam Hồng nhận định.

Nguồn: Laodong.vn