Hà Nội – Sau 12 năm khởi công, đến nay Dự án “Cải thiện môi trường mương thoát nước Thụy Khuê” vẫn trong tình trạng dang dở, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Dự án Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê được khởi công năm 2012, tổng vốn đầu tư 400 tỉ đồng do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công.
Đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Tây Hồ.
Theo kế hoạch, dự án sẽ cống hóa mương Thụy Khuê bằng hệ thống cống hộp, có vỉa hè 2 bên cùng hệ thống cấp nước và chiếu sáng đồng bộ.
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 27.6, tại Dự án Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê, đoạn từ ngõ 167 Thụy Khuê đến ngõ chùa Châu Lâm vẫn còn khoảng hơn 20m trong tình trạng ngổn ngang, không có bóng dáng công nhân thi công.
Tại đoạn mương này, nước thải vẫn xả ra hàng ngày khiến nước dưới lòng mương đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Nguyễn Quang Hùng (56 tuổi, Thụy Khuê, Tây Hồ) cho biết, Dự án Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê, đoạn qua ngõ 167 Thụy Khuê chỉ còn 20m mà gần 2 năm nay vẫn chưa hoàn thiện, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
“Ngày nắng cũng như ngày mưa, con mương bốc mùi hôi thối, khó chịu. Người dân ở đây luôn mong ngóng từng ngày mương Thụy Khuê hoàn thiện để đỡ khổ, đỡ ô nhiễm”, ông Hùng nói.
Cửa sổ nhà luôn trong tình trạng đóng kín, máy lọc không khí, khử mùi bật 24/24, đó là cách gia đình bà Nguyễn Thị Huyền (52 tuổi, Thụy Khuê, Tây Hồ) đối phó và sống chung với sự ô nhiễm của mương thoát nước sau nhà.
“Con mương chẳng khác gì “bể phốt” lộ thiên khiến cư dân khốn khổ. Mùi hôi thối ô nhiễm ngày càng nồng nặc khiến nhiều gia đình có người già và trẻ em bị ốm liên tục”, bà Huyền bức xúc.
Tuyến mương đi dọc Thụy Khuê là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước của hai quận Ba Đình và Tây Hồ với chiều dài khoảng 3km (kéo dài từ dốc La Pho đến cống Đõ, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Nguồn: Laodong.vn