Người lao động, sinh viên tại ĐBSCL kỳ vọng sẽ nhiều cơ hội việc làm tại các Khu công nghiệp (KCN) ở Cần Thơ trong thời gian tới…
Cần Thơ sẽ có 14 KCN
Hiện nay, TP Cần Thơ có 7 KCN hiện hữu, gồm: KCN Trà Nóc 1 (135 ha), KCN Trà Nóc 2 (155 ha), KCN Hưng Phú 1 (262 ha), KCN Hưng Phú 2 (67 ha), KCN Thốt Nốt (74,87 ha), KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 1 (293,7 ha).
Trong đó, KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 1 được khởi động vào tháng 9.2023 là niềm mong mỏi cho người lao động trong khu vực ĐBSCL khi trước mắt sẽ tạo việc làm cho 20.000 – 30.000 lao động.
Ngoài ra, dựa trên Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có thành lập thêm 07 KCN mới, có tổng diện tích hơn 6.485 ha (tăng 6,5 lần so với diện tích hiện tại), khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Các KCN gồm: KCN Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) với diện tích hơn 606 ha; KCN Vĩnh Thạnh 2 (519 ha); KCN Vĩnh Thạnh 3 (675,45 ha); KCN Vĩnh Thạnh 4 (815 ha); KCN Vĩnh Thạnh 5 (2.550 ha); KCN Cờ đỏ – Thới Lai (1.070 ha); KCN công nghệ cao quận Ô Môn (250 ha).
Một tín hiệu đáng mừng khi tại mới đây, tại Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 (ngày 3 – 5.7), các đại biểu đã biểu quyết thông Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2), TP Cần Thơ.
Đây là KCN phát triển chuyên sâu dựa trên tiềm năng và lợi thế của khu vực, hình thành KCN với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
KCN đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất nhằm thu hút đầu tư đa dạng các ngành (công nghiệp nặng, công nghiệp tạo giá trị tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành nghề đầu tư xây dựng, khai thác cảng, dịch vụ logistics…) tạo thành cụm liên kết ngành trong KCN. Đồng thời, kết hợp với các KCN khác (hiện hữu và định hướng quy hoạch) tạo thành cụm liên kết ngành công nghiệp trong TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Dự kiến KCN Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) bố trí đa dạng các ngành nghề với các loại hình hậu cần cảng biển, cảng cạn, kho tàng bến bãi.
Diện tích quy hoạch khoảng 559,86 ha. Quy mô lao động dự kiến khoảng 25.000 – 32.000 người.
Người lao động kỳ vọng
Ngay khi thông tin về Quy hoạch phát triển khu công nghiệp tại Cần Thơ được đăng tải, anh Lê Nguyễn Phương Tùng (tỉnh Kiên Giang) hào hứng: “Tôi làm việc ở Bình Dương cũng đã hơn 3 năm, rất hy vọng Cần Thơ sẽ được về miền Tây làm việc nhưng hiện tại cơ hội còn ít vì mình làm mặt hàng sắt, thép. Năm 2023, nghe tin khởi động KCN là mình vui lắm, nay lại tiếp tục làm thêm một KCN, tôi có thể về làm đúng tay nghề và thoát cảnh ly hương”.
Còn bạn Nguyễn Thanh Đan (Sinh viên trường Đại học Cần Thơ) cho hay: “Hiện tại ở Cần Thơ, cơ hội việc làm còn hạn hẹp, các bạn em đều mong muốn lên TP HCM hoặc Bình Dương làm. Em rất mong có cơ hội làm hành chính – nhân sự tại Cần Thơ khi thời gian tới”.
Được biết, sau kỳ họp HĐND nói trên, Cần Thơ định hướng các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp với tình hình và điều kiện kinh tế – xã hội, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực của thành phố, nhất là nguồn tài nguyên về đất đai.
“Chú trọng giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án; rà soát, kiểm tra, xử lý các KCN chậm triển khai và giải pháp phát triển các KCN bền vững theo định hướng quy hoạch chung của thành phố” – thông cáo báo chí về kết quả kỳ họp nêu rõ.
Nguồn: Laodong.vn