Nhiều người dân nói bị mắc kẹt sau khi trót đặt bút ký hợp đồng, thanh toán 30% giá trị thẻ du lịch cho Công ty Crystal Bay.
Ký hợp đồng xong mới nhận thấy nhiều rủi ro
Như trường hợp của gia đình chị Đ.T.H.N và anh H.Q.L (Ba Đình, Hà Nội).
Trong đơn gửi đến Báo Lao Động, vợ chồng chị Đ.T.H.N cho biết, ngày 1.6, được mời đến trụ sở của Công ty Cổ phần Thẻ du lịch Crystal Bay (viết tắt là công ty Crystal Bay) tại tầng 12, tòa nhà Capital Place, 29 Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) để dự hội thảo khảo sát nhu cầu du lịch. Ai dự sẽ được tặng quà.
Tại đây, các khách hàng được phân vào các bàn khác nhau, trong đó có nhiều người lớn tuổi. Họ được cho xem video giới thiệu về các khu nghỉ dưỡng.
“Chúng tôi được nhân viên tên Thắng mời mua thẻ du lịch của Công ty Crystal Bay với giá 199,2 triệu đồng, thời hạn sở hữu là 20 năm”, chị N nói.
Sau khi được tư vấn và thuyết phục, vợ chồng chị H đã đồng ý chuyển khoản 30% giá trị hợp đồng là 59.760.000 đồng ngay tại hội thảo, để nhận được “chính sách sự kiện đặc biệt”.
Vợ chồng chị được hướng dẫn ký luôn vào bản hợp đồng và phụ lục dài 28 trang và được hẹn giao hợp đồng sau 10 – 15 ngày làm việc.
Về nhà, đọc được cảnh báo của nhiều cơ quan chức năng liên quan đến loại hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ, và suy nghĩ hợp đồng lại kéo dài 20 năm có nhiều rủi ro nên chị H muốn hủy hợp đồng.
“Khi yêu cầu hủy thì Thắng nói sẽ mất hết số tiền đã đóng. Thắng khuyên tôi đóng tiếp và nói sẽ được giảm số tiền phải đóng. Nhưng tôi vẫn không đồng ý.
Những ngày sau, họ liên tục gọi điện thuyết phục tôi tiếp tục đóng nốt 70% giá trị hợp đồng. Tôi đã phản ánh nguyện vọng được hủy hợp đồng lên công ty Crystal Bay và nhận lại tiền đã đóng nhưng không được chấp thuận”, chị H cho biết.
Ngày 29.6, vợ chồng chị H lên trụ sở công ty Crystal Bay để nói rõ về các chi tiết trong hợp đồng. Thời điểm này, vợ chồng chị H mới được nhận hợp đồng và phụ lục bản cứng đã ký ngày 1.6. Buổi làm việc có mặt của nhân viên tư vấn Thắng và một quản lý tên Ngân.
Khi được nghe giải thích chi tiết hơn về các điều khoản trong hợp đồng, vợ chồng chị H cho rằng không có sự đồng nhất với nội dung được tư vấn trong hội thảo trước đó, như: số lượng đêm nghỉ mỗi năm; việc nghỉ dưỡng tại các khu liên kết phải mất thêm phí trong khi công ty chỉ có 2 khu nghỉ dưỡng đang vận hành.
Vợ chồng chị H nêu phương án muốn thanh lý hợp đồng thì phía Crystal Bay khẳng định nếu thanh lý sẽ mất hết số tiền đã đóng.
“Giờ như bị mắc kẹt, dừng hợp đồng thì mất trắng gần 60 triệu đồng, đóng tiếp thì không đủ niềm tin, hợp đồng kéo dài 20 năm, quá nhiều rủi ro.
Tôi thấy mình quyết định quá nóng vội, chưa tìm hiểu, phân tích kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký và đóng số tiền gần 60 triệu đồng.
Vợ chồng tôi thấy hối hận vì đã đến buổi hội thảo du lịch đó”, chị H nói.
Không được tư vấn rõ ràng lúc được mời ký hợp đồng
Đến Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại TPHCM, vợ chồng chị T.T.H và N.M.T cũng phản ánh bị nhân viên tư vấn Crystal Bay tư vấn mập mờ, không rõ ràng dẫn đến đưa ra quyết định không chính xác.
Chị H cho biết, vào cuối tháng 6.2023, nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ với nội dung mời tham dự hội thảo kích cầu du lịch dành cho người Việt Nam tại văn phòng công ty Crystal Bay (địa chỉ tòa nhà Pear Plaza, số 561A Đ. Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM). Ai dự sẽ được tặng voucher nghỉ dưỡng hai ngày một đêm chứ không có mua bán gì.
Ngày 1.7.2023, chị H cùng chồng tới dự hội thảo theo lời mời. Khi đó đang có khoảng 50 người trong phòng hội thảo. Họ được xem những đoạn video về các khu nghỉ dưỡng.
Sau đó, 1 nhân viên tư vấn tên Hoài Thương vào tư vấn cho vợ chồng chị H về thẻ du lịch Crystal Bay và mời mua thẻ với giá 178,2 triệu đồng, quyền lợi là mỗi năm có 7 đêm nghỉ dưỡng tại các khu resort của công ty, thời hạn sở hữu 15 năm.
“Thương tư vấn xong thì có một người tên Duyên nhận là quản lý của Crystal Bay đến và nói chỉ có 5 suất mua thẻ du lịch ngày hôm nay, rồi hối thúc chúng tôi quẹt thẻ trả tiền đặt cọc 30% (53.460.000 đồng) trước để giữ chỗ.
Thương hứa hẹn về các quyền lợi như: cho tôi sử dụng ngay kỳ nghỉ cộng dồn vào voucher tặng miễn phí, được sử dụng các quầy bar, bia rượu ở resort. Thanh toán 30% là đã được đi nghỉ.
Thấy hợp lý, chúng tôi đã thanh toán 30% giá trị hợp đồng ngay tại hội thảo.
Chồng tôi yêu cầu được đem hợp đồng về đọc trước khi ký thì phía Công ty Crystal Bay không đồng ý, hối thúc tôi ký luôn và nói để sếp họ ký, đóng dấu và gửi về sau”, chị H nói.
Ngày 6.7.2023, gia đình chị H đăng ký sử dụng voucher và kỳ nghỉ của năm 2023 tại Cam Ranh Rivera Resort & Spa (Khánh Hòa).
Theo email của bộ phận CSKH Crystal Bay gửi cho gia đình chị H vào ngày 6.7.2023, khách hàng được “sử dụng đồ uống không giới hạn tại các bữa ăn và sử dụng tại các quầy bar theo quy định”.
Tuy vậy, ngày 26.7.2023, khi gia đình chị H. đến check-in tại resort, nhân viên tại đây cho biết, gia đình chị H không được sử dụng miễn phí quầy bar.
“Lúc ấy rất bực vì đã không được tư vấn rõ ràng ngay từ đầu”, chị T.T.H nói.
Ngày 15.8, vợ chồng chị H đến văn phòng Crystal Bay tại TPHCM để phản ánh về dịch vụ, thì nhân viên tư vấn và quản lý ở đây giải thích là “sử dụng đồ uống ở quầy bar chỉ được giảm giá 20% chứ không miễn phí”.
“Đáng nhẽ ngay từ đầu các bạn tư vấn đầy đủ cho mình như vậy thì mình thấy rất thoải mái. Có hay không việc đưa ra những tư vấn không rõ ràng để khách hàng đưa ra quyết định thanh toán tiền ngay tại buổi hôm đó.
Trong khi hợp đồng kéo dài 15 năm thì cần niềm tin rất lớn. Do mất niềm tin nên vợ chồng tôi đã quyết định dừng lại, không đóng nốt 70% giá trị còn lại của hợp đồng”, chị H nói.
Nguồn: Laodong.vn