Khi nghe có đề xuất hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỉ lệ %, nhiều người rất ủng hộ và đồng tình.
Họ mong được hoán đổi số năm thừa đóng bảo hiểm xã hội, để được sớm nghỉ, hưởng chế độ hưu trí khi sức khỏe đã suy yếu, sau nhiều năm làm công việc nặng nhọc.
Thực tế ở doanh nghiệp nơi tôi đang công tác, làm việc cũng có hàng chục người lao động cả lao động nam và lao động nữ, trong đó có không ít công nhân lao động, là những đối tượng trực tiếp lao động sản xuất, làm những công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm như công nhân làm mới đường sắt, công nhân đại tu đường sắt, công nhân xây lắp, sửa chữa cầu đường sắt, công nhân hàn sắt trên các công trình, có người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội hơn 35 năm, cá biệt có người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội gần 42 năm.
Nhưng hiện nay, nhiều người trong số đó vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành mặc dù đã thừa năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng tỉ lệ lương hưu tối đa (75%) khi đã đủ tuổi hưu.
Có nhiều công nhân lao động sau hơn 40 năm làm việc, sức khỏe đã bị bào mòn và suy yếu nhưng do chưa đủ tuổi nghỉ hưu nên bản thân họ cũng phải tiếp tục cố gắng đi theo công trình, gắng sức làm việc để chờ thêm vài năm nữa mới đủ tuổi đời để doanh nghiệp làm thủ tục nghỉ hưởng chế độ hưu trí.
Khi nghe dự thảo luật bảo hiểm xã hội có đề xuất hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa để nghỉ hưu trước tuổi mà không bị tỉ lệ %, nhiều người rất ủng hộ và đồng tình. Họ mong được hoán đổi số năm thừa đóng bảo hiểm xã hội để được sớm nghỉ, hưởng chế độ hưu trí.
Việc dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất hoán đổi số năm đóng thừa bảo hiểm xã hội để người lao động được nghỉ, hưởng sớm chế độ hưu trí là một đề xuất rất nhân văn, phù hợp với mong muốn của đại đa số người lao động, những người làm công ăn lương, đặc biệt là công nhân lao động trực tiếp sản xuất, là những đối tượng làm những công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Đề xuất này cũng là cách để hàng trăm nghìn người lao động sớm tiếp cận với chế độ, chính sách hưu trí, để an tâm tận hưởng tuổi già khi sức khỏe đã ít nhiều bào mòn, suy yếu sau mấy chục năm cống hiến, làm việc cho doanh nghiệp và đóng bảo hiểm xã hội.
Ở góc độ một cán bộ phụ trách về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động trong một doanh nghiệp, tôi có đề xuất, đối với người lao động đang làm việc tại các tổ chức doanh nghiệp, nếu bản thân họ đã có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa theo quy định (đối với lao động nam là 35 năm và đối với lao động nữ là 30), thì nên có chính sách cũng như quy định miễn đóng bảo hiểm xã hội cho cả doanh nghiệp và người lao động. Tức là người sử dụng lao động và người lao động được quyền không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp đã có đủ thời gian tối đa đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Quy định này trước tiên là sẽ giảm được chi phí đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng cho cả người lao động và doanh nghiệp. Bản thân người lao động sẽ có thêm chút tích lũy, để dành từ tiền lương, tiền công hàng tháng khi không phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không chi trả lại một khoản tiền, là số năm đóng thừa bảo hiểm xã hội cho người lao động sau khi người lao động đủ điều kiện về hưu.
Ngoài ra, quy định này sẽ góp phần giảm tình trạng các tổ chức, doanh nghiệp hạn chế hoặc không tuyển dụng lao động lớn tuổi, hay cố tình tìm mọi cách để sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động lớn tuổi trong doanh nghiệp.
Bởi lẽ, thực trạng này xuất phát từ một phần nguyên nhân do chi phí phải đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng cho nhóm người lao động lớn tuổi, có thâm niên làm việc trong doanh nghiệp thường cao hơn rất nhiều so với nhóm đối tượng lao động trẻ tuổi.
Nguồn: Laodong.vn