Người dân xã nông thôn mới ở Thái Bình thiếu nước sạch

Nhiều người dân ở xã nông thôn mới Thanh Tân (Kiến Xương, Thái Bình) khổ sở vì nước sạch sinh hoạt vừa thiếu, vừa yếu, thậm chí không có nước để dùng.

Người dân xã nông thôn mới ở Thái Bình thiếu nước sạch
Người dân ở thôn An Thọ (xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) phải dùng nước giếng khoan cho sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Nam Hồng

Đây là những gì mà đại diện cử tri, nhân dân các thôn An Cơ Nam, An Thọ (xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) phản ánh đến cơ quan chức năng và báo chí suốt thời gian qua xoay quanh câu chuyện nước sạch sinh hoạt trên địa bàn. Bà con nhân dân tỏ ra vô cùng bức xúc, bất bình vì xã Thanh Tân là địa phương về đích nông thôn mới đã nhiều năm nhưng nghịch lý này vẫn xảy ra và hiện chưa được giải quyết dứt điểm.

Người dân thôn An Cơ Nam, xã Thanh Tân xây dựng bể ngầm để chứa nước máy nhưng cuối cùng nhà nào cũng dùng để chứa nước mưa.. Ảnh: Nam Hồng
Người dân thôn An Cơ Nam, xã Thanh Tân xây dựng bể ngầm để chứa nước máy nhưng cuối cùng nhà nào cũng dùng để chứa nước mưa.. Ảnh: Nam Hồng

Lắp đặt nước máy nhưng vẫn phải dùng nước ao, nước giếng khoan, nước mưa

Ông T.Q.T (trú thôn An Thọ, xã Thanh Tân) – cho biết: “Từ khoảng năm 2019 đến nay nước sạch sinh hoạt của người dân chúng tôi thiếu triền miên nhưng trầm trọng nhất là 2 năm gần đây, đến mấy tháng nay thì hầu như không có nước. Do không có nước sạch nên nhà tôi dùng nước giếng khoan là chính và dùng nước mưa để nấu ăn. Tính ra từ tháng 7.2023 đến nay nhà tôi không có giọt nước sạch nào. Mặc dù nhà có bể ngầm, van luôn mở sẵn để chờ nước nhưng càng chờ càng nước càng không có, rất may tôi chưa lấp giếng khoan nên mới có nước để dùng chứ không chắc chắn sẽ phải dùng nước ao”.

Ông Trần Văn Quân – Trưởng thôn An Thọ – xác nhận: “Có những nhà hơn 2 năm nay không có giọt nước nào. Trong khoảng hơn 2 tháng cao điểm mùa nắng nóng vừa qua nhà nào cũng thiếu nước. May sao mấy tuần nay trời có mưa nên chúng tôi có nước mưa để dùng chứ không chắc chắn mọi người sẽ sẽ lại nháo nhác lên vì nước. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết”.

Còn tại thôn An Cơ Nam, người dân cũng cho biết, câu chuyện mất nước, thiếu nước sạch đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhà nào cũng xây bể ngầm để chứa nước sạch nhưng cuối cùng đều phải dùng để chứa nước mưa. Nhiều nhà phải đầu tư hàng chục triệu đồng xây thêm bể bê tông và mua téc inox để chứa nước mưa.

“Cũng do không có nước sạch nên năm 2022 nhà tôi phải khoan giếng để lấy nước dùng, mặc dù nước có mùi hôi nhưng có còn hơn không do gia đình đông người. Nếu không phải mùa mưa, gia đình bà chỉ còn cách bơm nước giếng khoan hoặc bơm nước từ sông về nhà, rất vất vả mà chất lượng nước lại không bảo đảm”, bà T.T.K (trú thôn An Cơ Nam, xã Thanh Tân) ngao ngán nói.

Bà K chuẩn bị dây điện, ống nước để sẵn sàng bơm nước sông về dùng khi cần thiết. Ảnh: Nam Hồng
Bà K chuẩn bị dây điện, ống nước để sẵn sàng bơm nước sông về dùng khi cần thiết. Ảnh: Nam Hồng

Theo ông Trần Hữu Dực, Trưởng thôn An Cơ Nam, toàn thôn có 300 hộ thì 80% số hộ bị thiếu nước sạch, trong đó khoảng 30% số hộ thiếu nước trầm trọng, thường xuyên không có nước.

Vì thế bà con phải tận dụng tất cả các loại nước như nước sông, nước ao, nước giếng khoan, nước mưa để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Rất may đợt vừa rồi mưa nhiều nên người dân có nước để dùng, nhưng chỉ cần một tháng trời không mưa là câu chuyện nước sạch lại ầm ĩ cả thôn.

“Ở xóm 6 có khoảng 70 hộ nhiều tháng nay không có giọt nước nào trong ống nước. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, bằng nhiều cách, tiếp nhiều đoàn về làm việc nhưng cuối cùng người dân vẫn không có nước để dùng. Cách đây hơn 1 tuần huyện cũng đã tổ chức buổi làm việc với doanh nghiệp, chính quyền xã, thôn nhưng Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long chỉ cử người về dự và hứa sẽ tiếp thu. Tình trạng kéo dài khiến người dân ngày càng bức xúc”, ông Dực cho biết.

Cần sớm có giải pháp giải quyết, khắc phục cho người dân

Liên quan vụ việc nói trên, ngày 6.8, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “Tình trạng nước yếu và thiếu xảy ra từ nhiều năm nay, đặc biệt từ năm 2020 trở về đây diễn ra trầm trọng hơn, nhất là đợt tháng 6 nắng nóng vừa qua. Nguyên nhân là do trạm cấp nước chỉ bơm 3 ngày rồi lại nghỉ cấp 3 ngày, thời gian bơm không liên tục, thậm chí nghỉ 3,5 ngày mới bơm đợt mới nên hộ nào cũng phải dự trữ nước. Hơn nữa, trạm cấp nước cho xã đã xây dựng từ năm 2009, lúc đầu chỉ cấp nước cho một phần dân của 3 xã nhưng sau đó mở rộng ra 5 xã nên mặc dù trạm đã nâng cấp so với trước đó nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân”.

Ông Trần Văn Quân, Trưởng thôn An Thọ mua 3 téc inox để chứa nước mưa
Nhà ông Trần Văn Quân – Trưởng thôn An Thọ phải mua 3 téc inox để chứa, dự trữ nước mưa dùng dần. Ảnh: Nam Hồng

Theo ông Dũng, khoảng 50% các hộ dân trong xã bị ảnh hưởng bởi nước sinh hoạt cung cấp vừa thiếu vừa yếu, 20% trong số này gần như 2 năm qua không có nước để dùng, 30% còn lại thì nước bập bõm, lúc có, lúc không.

“Việc một số hộ dân phải dùng nước ao, nước giếng khoan là có thật nhưng chỉ để rửa chân tay và giặt giũ, còn nước ăn chủ yếu là dùng nước mưa. Tình trạng nhiều gia đình vài tháng không có giọt nước sạch nào để dùng và thôn nào áp lực nước cũng yếu và thiếu cũng là đúng. Như gia đình bố mẹ tôi, để có nước dùng tôi phải đầu tư 15 triệu đồng lắp đặt hệ thống lọc nước giếng khoan và thường xuyên mua nước sạch từ xã khác chở về cho bố mẹ dùng. Chúng tôi đã kiến nghị đủ cách nhưng đến nay thật sự thấy bất lực, doanh nghiệp cung cấp nước cũng chưa có động thái nào cụ thể là sẽ nâng cấp, cải tạo, khắc phục cho nhân dân ngoài việc hứa hẹn rồi… để đó”, ông Nguyễn Thế Dũng cho biết thêm.

Nguồn: Laodong.vn