Những đối tượng nào sẽ được mua nhà ở xã hội?

Khi Luật Nhà ở đi vào cuộc sống sẽ tháo giỡ được cơ bản những vướng mắc trong đầu tư nhà ở xã hội, vậy những đối tượng nào sẽ được thụ hưởng chính sách mới này.

Những đối tượng nào sẽ được mua nhà ở xã hội?
Những đối tượng nào sẽ được mua nhà ở xã hội. Ảnh: Minh Hạnh

Theo các chuyên gia về bất động sản, một luật lớn như Luật Nhà ở không thể cầu toàn được vì liên quan đến nhiều đối tượng, do đó, trong quá trình triển khai, nếu chưa phù hợp, cơ quan chức sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Đức Toàn (Công ty Luật TNHH Vimax Châu Á, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2023 còn sửa đổi, bổ sung một số quy định giúp người dân dễ dàng mua nhà ở xã hội hơn.

Người lao động sẽ thuận lợi hơn khi mua nhà ở xã hội. Ảnh: Minh Hạnh
Người lao động sẽ thuận lợi hơn khi mua nhà ở xã hội. Ảnh: Minh Hạnh

Tại Điều 76 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 năm 2023 đã sửa đổi và bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội so với quy định hiện hành là: Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.

Theo quy định mới, 12 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.

Cùng đó, điều kiện về nhà ở phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố ở nơi có dự án nhà ở xã hội đó, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố nơi có dự án nhà ở xã hội đó hoặc sở hữu nhà ở nhưng diện tích bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu… từng đối tượng cụ thể phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ, hoặc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Chủ đầu tư cũng được cởi trói khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh: Minh Hạnh
Chủ đầu tư cũng gỡ được nút thắt khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh: Minh Hạnh

Theo ông Trần Đình Quân – Giám đốc Kinh doanh Dự án NƠXH Evergreen Bắc Giang, Luật Nhà ở 2023 có nhiều quy định mới về ưu đãi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Điều 85 Luật Nhà ở 2023 quy định về chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH để bán, cho thuê mua, cho thuê được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án.

Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ trường hợp dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.

Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; Được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội.

Được dành tỉ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại…

Về phía nhà đầu tư, ông Trần Đình Quân cho rằng, Luật Nhà ở 2023 cũng đã hỗ trợ nhà đầu tư về 20% quỹ đất của dự án được làm nhà ở thương mại và bán theo giá thị trường. Việc này giúp nhà đầu tư có nguồn vốn để tái đầu tư các công trình tiện ích dịch vụ như vườn hoa, nhà trẻ, siêu thị… của khu NƠXH.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Điệp lại cho rằng, việc 20% đất để xây nhà ở thương mại cũng cần phải được đấu giá theo đúng quy trình. Cùng đó, hiện kế hoạch và quy hoạch đất tại các địa phương nhìn chung cũng chưa có đất dành cho xây dựng NƠXH. Do đó, các cấp chính quyền cần phải quyết liệt và đưa vào chỉ tiêu pháp lệnh của địa phương.

Nguồn: Laodong.vn