Bạn đọc đặt câu hỏi về những trường hợp được cấp đổi giấy chứng nhận căn cước từ ngày 1.7.2024 và giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước được quy định như thế nào?
Kể từ 1.7, Luật Căn cước 2023 bắt đầu có hiệu lực thi hành, quy định người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước. Đây là loại giấy tờ về nhân thân mới, lần đầu tiên được quy định tại Luật Căn cước.
Theo Khoản 5 Điều 30 Luật Căn cước 2023, giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định về các trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước như sau:
– Bị hư hỏng không sử dụng được;
– Thay đổi thông tin về căn cước;
– Có sai sót về thông tin trên giấy chứng nhận căn cước;
– Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có yêu cầu;
– Giấy chứng nhận căn cước hết hạn sử dụng.
Nguồn: Laodong.vn