Thái Bình – Công ty Cổ phần Nhân Bình đã thực hiện chi trả tổng số tiền gần 200 triệu đồng cho nông dân ở xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải có diện tích lúa xuân 2024 bị thiệt hại năng suất, do ảnh hưởng bởi quá trình thi công tuyến đường số 3.
Thanh toán tiền đền bù, hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại
Chiều ngày 9.7, trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Văn Điệt – Chủ tịch UBND xã Nam Hồng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết, trong ngày hôm qua (8.7), đại diện liên danh nhà thầu thi công tuyến đường số 3 (thuộc Dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình) là Công ty Cổ phần Nhân Bình đã trực tiếp về địa phương để phối hợp làm việc và chi trả, thanh toán tiền hỗ trợ, đền bù cho nông dân trên địa bàn xã có diện tích lúa xuân 2024 bị ảnh hưởng năng suất, sản lượng (nguyên nhân do đơn vị thi công bơm cát san lấp, đắp nền thực hiện dự án gây nhiễm mặn đồng ruộng).
Theo đó, Công ty Cổ phần Nhân Bình đã chi trả, thanh toán tổng số tiền hơn 193 triệu đồng hỗ trợ, đền bù cho nông dân các thôn Đông Biên Nam, Tam Bảo và Viên Ngoại. Trong đó, ngay tại thôn Đông Biên Nam, số tiền đền bù, hỗ trợ khoảng 114 triệu đồng.
“Thôn Đông Biên Nam có số tiền đền bù, hỗ trợ cao vì tại cánh đồng của thôn có đến hơn 63 sào lúa xuân 2024 của bà con bị thiệt hại trên 70% năng suất, tức gần như mất trắng, không còn gì để thu hoạch. Với năng suất trung bình vụ vừa rồi khoảng 180kg/1 sào, nhân với giá thị trường 10.000 đồng/1kg, đơn vị thi công, chính quyền địa phương và bà con thống nhất số tiền đền bù thiệt hại như đã nêu”, ông Phạm Văn Điệt cho biết.
Việc chi trả, thanh toán nói trên được thực hiện trong ngày 8.7 tại hội trường 3 thôn có lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng năng suất. Đến hôm nay, 9.7, cơ bản các hộ dân đã được nhận đền bù với đúng diện tích thực tế bị thiệt hại.
Cũng tại buổi làm việc nói trên, lãnh đạo UBND xã Nam Hồng và đại diện bà con nông dân đề nghị Công ty Cổ phần Nhân Bình phải có trách nhiệm cử cán bộ của công ty phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, theo dõi và khắc phục hậu quả nếu trong trường hợp vụ sản xuất sau (tức vụ mùa 2024) lúa vẫn bị nhiễm mặn do ảnh hưởng thi công dự án.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND xã Nam Hồng cho biết cũng đã, đang xem xét báo cáo UBND huyện Tiền Hải và các ngành, chức năng liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường đất đai, nguồn nước… quanh vùng dự án sau khi có sự thẩm thấu, rò rỉ nước mặn, cát mặn từ quá trình đơn vị thi công bơm cát san lấp, đắp nền thi công tuyến đường số 3.
Sẽ kiểm tra, làm rõ tiêu chuẩn của lượng cát đã san lấp, đắp nền đường
Trước đó, như Lao Động đã phản ánh, Dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 9.3.2022 bao gồm 5 tuyến đường.
Trong đó, tuyến số 3 có chiều dài khoảng 13km, được làm mới hoàn toàn đi qua địa phận các xã Nam Trung, Nam Hưng, Nam Hồng, Nam Hải (huyện Tiền Hải) và các xã Bình Định, Nam Bình (huyện Kiến Xương).
Nhà thầu trúng thầu thi công dự án là liên danh Công ty Cổ phần Thịnh Vượng TVT – Công ty Cổ phần Vinadelta – Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC – Công ty Cổ phần Trung Thủy – Công ty Cổ phần Nhân Bình – Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Quang. Giá trúng thầu là 1.653,545 tỉ đồng, giảm 65,621 tỉ đồng so với giá gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến là 1.430 ngày.
Theo UBND xã Nam Hồng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), thời gian qua, khi thi công dự án tuyến đường số 3 đi qua địa bàn xã, trong quá trình bơm, tập kết cát, đơn vị thi công đã để nước mặn thẩm thấu ra đất sản xuất lúa của nhân dân.
Đặc biệt, đến vụ xuân năm 2024, quá trình bơm cát san lấp đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa khu vực liền kề dự án. UBND xã Nam Hồng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và các ban ngành, đoàn thể, các cơ sở thôn đã nhiều lần phối hợp với đại diện đơn vị thi công để đánh giá thiệt hại trong quá trình sản xuất lúa của nhân dân.
Trao đổi với PV Lao Động, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình (đại diện chủ đầu tư dự án) xác nhận đã nắm được sự việc.
“Thời điểm đó do nước trong nội đồng xuống thấp, nước phía ngoài sông Hồng bị nhiễm mặn. Khi đơn vị thi công đưa tàu cát về để bơm vào dự án thì phải dùng nước sông Hồng để đẩy lên. Đúng là có ảnh hưởng nhưng không phải ảnh hưởng trực tiếp, chúng tôi sẽ kiểm tra, nghe lại cụ thể”, đại diện chủ đầu tư dự án nói.
Còn theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tiền Hải, ngoài xã Nam Hồng thì xã bên cạnh là xã Nam Hưng nơi có dự án đi qua cũng ghi nhận các diện tích lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại do đồng ruộng nhiễm mặn.
Nguồn: Laodong.vn