Tâm lý trọng bằng cấp khiến nhiều học sinh Hà Nội không muốn đi học nghề

Tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân khiến đa số học sinh ở Hà Nội sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề.

Tâm lý trọng bằng cấp khiến nhiều học sinh Hà Nội không muốn đi học nghề

Mức hỗ trợ thấp hơn nhiều so với giá dịch vụ đào tạo

Báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố tại chương trình kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 – 2023 của Hà Nội vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.

Hiện nay mức hỗ trợ tối đa theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ thấp hơn rất nhiều so với quy định giá dịch vụ đào tạo đã được HĐND TP ban hành tại Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 6.12.2023. Trường hợp thành phố thực hiện mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương, phần chênh lệch giữa mức giá dịch vụ đào tạo và mức hỗ trợ sẽ rất cao, người học phải tự bù phần chênh lệch này, gây nhiều khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ khi triển khai thực hiện.

Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật…

Hoạt động xác định và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp cũng như hoạt động đánh giá nguồn cung nhân lực và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động còn hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng. Các sản phẩm dự báo thị trường lao động còn ít, đôi khi chưa kịp thời.

Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm

Về giải pháp với công tác đào tạo nghề, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục rà soát nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề.

Đồng thời, tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để chủ động tham mưu với HĐND, UBND TP ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động động trên địa bàn…

Đối với công tác giải quyết việc làm, Hà Nội nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững.

Hà Nội ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.

Thành phố tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động dưới các hình thức như: Khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường mới tiềm năng cũng như các thị trường truyền thống; tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách về xuất khẩu lao động…

Nguồn: Laodong.vn