Thu nhập từ lương hưu phải đủ chi tiêu, trang trải cho cuộc sống

Chính sách lương hưu hằng tháng được Nhà nước, Chính phủ xem xét, điều chỉnh qua từng năm với mục đích bù trượt giá, đảm bảo tiền lương hưu không bị trượt giá so với giá cả tiêu dùng.

Qua 23 lần điều chỉnh, hiện nay mức lương hưu của người nghỉ hưu đã tăng lên khá cao, từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Đặc biệt, từ ngày 1.7 điều chỉnh tăng 15% mức tiền lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng, đối với những người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng thực tế, dù được tăng tiền lương hưu hàng năm và trải qua 23 lần điều chỉnh, tăng tiền lương hưu, nhưng hiện nay vẫn còn không ít trường hợp có mức lương hưu thấp, đặc biệt nhất là những người về hưu trước tuổi, những người về hưu vì bị suy giảm khả năng lao động và bị trừ đi một phần tỉ lệ lương hưu.

Hiện nay chưa có một con số thống kê cụ thể từ cơ quan chức năng, ban ngành, có bao nhiêu phần trăm, có bao nhiêu người già đã về hưu nhưng do mức tiền lương hưu thu nhập hàng tháng vẫn còn quá thấp, không đủ chi tiêu, trang trải cho cuộc sống nên buộc họ vẫn phải đi làm việc, đi làm thời vụ. Nhưng có lẽ đây là một con số không nhỏ.

Do đó thiết nghĩ, để nâng cao tỉ lệ số người hưởng lương hưu hàng tháng, tăng số người nghỉ hưởng chế độ hưu trí hàng năm lên ở mức cao hơn mà không chỉ dừng lại ở con số 3,3 triệu người trong cả nước hưởng lương hưu như hiện nay, cần có thêm nhiều chính sách.

Để làm được điều này, ngoài việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã điều chỉnh (giảm xuống còn 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu), thì điều quan trọng nhất là cần xem xét, nghiên cứu và đánh giá lại độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhất là đối với những đối tượng, người làm công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, kể cả những người hành nghề giáo viên mầm non.

Đối với những đối tượng này có thể kéo giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống thấp hơn so với quy định hiện hành. Đây là giải pháp cần thiết và nhân văn để họ sớm tiếp cận với chế độ hưu trí, nâng cao đối tượng hưởng lương hưu hằng tháng so với hiện nay.

Ngoài ra, việc thay đổi cách tính lương hưu; cách tính bình quân tiền lương hưu; giảm trừ tỉ lệ phần trăm đối với người về hưu trước tuổi; thiết kế một chính sách lương hưu đủ hấp dẫn người tham gia hơn, tiến tới mức lương hưu đủ sống, đủ chi tiêu, đảm bảo an dưỡng tuổi già.

Đây cũng là cách làm thiết thực, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần, thay vào đó, bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để chờ đến tuổi nghỉ hưu, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu của chính sách để ra là khi đã về già và khi đủ tuổi, đủ năm đóng bảo hiểm xã hội ai cũng có được thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng và thu nhập từ tiền lương hưu phải đủ chi tiêu, trang trải cho cuộc sống, tiến tới giảm gánh nặng trợ cấp xã hội.

Nguồn: Laodong.vn