Từ vụ “làm đẹp mất 500 triệu đồng”: Khó xử lý quảng cáo gian dối trên mạng xã hội

Nghệ An – Nhiều khách hàng bị dính bẫy của các cơ sở thẩm mỹ do tin vào những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội nên mới đi làm đẹp rồi “tiền mất tật mang”. Tuy nhiên, để xử lý hành vi quảng cáo gian dối trên mạng xã hội là điều không hề đơn giản.

Từ vụ "làm đẹp mất 500 triệu đồng": Khó xử lý quảng cáo gian dối trên mạng xã hội

“Tiền mất, tật mang” sau khi đi làm đẹp

Như Báo Lao Động đã thông tin, vừa qua nhiều khách hàng phản ánh cơ sở thẩm mỹ Mayo Clinic (12 Nguyễn Phong Sắc, TP Vinh) có hiện tượng lừa dối khách hàng để trục lợi.

Cụ thể, chị H (30 tuổi, trú huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tin lời quảng cáo trên mạng xã hội tìm đến cơ sở nói trên để soi da và trị nám. Tuy nhiên, tại đây chị bị đưa vào phòng tư vấn riêng, bị tác động tâm lý nên đã đồng ý làm một số dịch vụ và đã phải chi ra số tiền 513 triệu đồng. Đang thực hiện làm đẹp tại đây, chị H. bị ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu.

Sự việc được tung lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, cơ quan chức năng vào cuộc, đại diện cơ sở thẩm mỹ nói trên đã thương lượng với gia đình, chuyển trả lại 380 triệu cho chị H. với lý do chị này hủy một số dịch vụ.

Chị Trần Thị H. (45 tuổi, trú huyện Yên Thành, Nghệ An) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Tin vào quảng cáo dịch vụ làm đẹp giá rẻ tại cơ sở nói trên, vào ngày 14.6.2024, chị H. đã đến cơ sở nói trên để làm trị thâm với giá quảng cáo trên mạng xã hội là 499 nghìn đồng/vùng.

Sau đó, nhân viên liên tục tư vấn và có những tác động để chị H. đồng ý thực hiện các dịch vụ khác tại đây, đến khi rời đi, chị phải thanh toán hơn 39,5 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc mua ngoài nhưng không đem lại kết quả gì đáng kể.

Ngày 3.7, chị H. đến yêu cầu hoàn tiền, Viện thẩm mỹ Mayo Clinic Nghệ An đã chấp nhận hoàn trả lại cho chị H. 18 triệu đồng.

Ngoài ra còn có nhiều khách hàng khác phản ánh cơ sở thẩm mỹ nói trên có những hành vi khuất tất, thiếu trung thực.

Khó xử lý quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội Facebook, thời gian gần đây liên tục xuất hiện nhiều nội dung quảng cáo về Viện thẩm mỹ quốc tế Mayo Clinic chi nhánh Vinh, ghi rõ địa chỉ tại 12 Nguyễn Phong Sắc, TP Vinh và số điện thoại liên hệ kèm theo nhiều nội dung quảng bá dịch vụ hết sức hoành tráng.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế Nghệ An, cơ sở thẩm mỹ nói trên không thuộc diện ngành y tế quản lý, cấp phép hành nghề y, không có bác sỹ, không được thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, tia, kê đơn thuốc mà chỉ được thực hiện các biện pháp thẩm mỹ thông thường không xâm lấn, không dùng thuốc gây tê, không uống thuốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Nguyễn Nữ Lan Oanh – Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An cho biết, theo quy định hiện hành, hành vi quảng cáo không đúng sự thật trên mạng xã hội tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An, để xử lý được hành vi nói trên cần có cơ sở, căn cứ chứng minh, bao gồm đơn thư phản ánh, tố cáo, hồ sơ, tài liệu, căn cứ chứng minh đối tượng và hành vi vi phạm.

“Hành vi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội rất khó xử lý vì khó xác định đối tượng vi phạm; các đối tượng bị phản ánh thường phủ nhận hành vi trong khi để xác định đúng đối tượng vi phạm là điều không đơn giản” – Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An nói.

Từ đó, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân cần nâng cao hiểu biết, cảnh giác, thận trọng, khi có nhu cầu làm đẹp, chữa bệnh cần tìm đến các cơ sở chuyên môn được cấp phép, có uy tín để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo gian dối, người dân cần có biện pháp thu thập bằng chứng và báo cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Nguồn: Laodong.vn